Tổng quan về các phương pháp định giá doanh nghiệp

Khi nhắc đến hoạt động đầu tư, không thể không nhắc đến khái niệm giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xác định được chính xác giá trị của một công ty là điều không dễ dàng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tổng quan về các phương pháp định giá doanh nghiệp.

Phương pháp định giá dựa trên tài sản (cách tiếp cận từ tài sản)

Đây là một trong những phương pháp định giá truyền thống giúp phản ánh thực tế doanh nghiệp tại một thời điểm. Tuy nhiên, cách tiếp cận này còn tồn tại nhiều hạn chế.

Tổng quan về định giá doanh nghiệp theo phương pháp tài sản

  • Định nghĩa: Phương pháp định giá doanh nghiệp theo giá trị tài sản cho rằng, giá trị của một doanh nghiệp sẽ bằng giá trị của tất cả các loại tài sản riêng trên bảng cân đối kế toán trừ các khoản nợ phải trả. Giá trị của tài sản được đánh giá bằng hiệu quả sử dụng và khai thác các tài sản đó, giúp tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai.

Giá của vốn chủ sở hữu =  Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả

  • Đối tượng áp dụng: Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo tài sản thường được áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với quy mô tài sản hợp lý. Thông thường là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà các tài sản như máy móc thiết bị, nhà xưởng, các phương tiện vận tải, các trang thiết bị … có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của công ty. Các doanh nghiệp khác như doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp công nghệ, hoặc các công ty kinh doanh về tài chính thường sẽ áp dụng phương pháp phương pháp chiết khấu dòng tiền.

Ưu điểm, nhược điểm của định giá doanh nghiệp theo phương pháp tài sản

Ưu điểm: Phương pháp đơn giản, thực hiện dễ dàng. Thông thường các thông số về tài sản và nợ đã có sẵn trên các báo cáo tài chính. Do đó, việc tính toán sẽ tương đối dễ thực hiện và không đòi hỏi nhiều kỹ năng cũng như nguồn lực phức tạp.

Nhược điểm: 

  • Phương pháp định giá này xuất phát từ quan điểm rằng Giá trị tài sản của doanh nghiệp được phản ánh ở trên bảng cân đối kế toán tương đương với một số tiền nhất định và có thể sử dụng ngay được. Tuy nhiên, quan điểm này lại không tính đến trường hợp phát sinh các nghĩa vụ thuế, liên quan đến giá trị tài sản của doanh nghiệp. Do đó, giá trị thực sự có thể sử dụng thường sẽ thấp hơn giá trị được xác định trên bảng cân đối. 
  • Việc định giá doanh nghiệp dựa trên nguồn tài sản hiện có chỉ căn cứ vào cơ sở tính toán giá trị ở trạng thái tĩnh trong một thời điểm. Phương pháp này chưa tính đến khả năng doanh nghiệp có thể kết hợp các tài sản để tạo ra lợi nhuận tiềm năng lớn hơn trong tương lai cũng như các rủi ro phát sinh nếu có. 
  • Để xác định giá trị thực tế của các tài sản hiện có là điều không hề dễ dàng. Khi nói đến tài sản, doanh nghiệp sẽ cần phải cân nhắc đến các yếu tố như chi phí, thuế phải trả nếu thanh lý tài sản, khả năng có thể thanh lý tài sản trên thị trường, cách xác định giá trị của các tài sản vô hình như uy tín và thương hiệu,… Những yếu tố này thường được quyết định một cách chủ quan theo ý muốn của người định giá dẫn đến khó phản ảnh thực tế giá trị doanh nghiệp.

Định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (cách tiếp cận từ thu nhập)

Phương pháp chiết khấu dòng tiền là phương pháp khá hiệu quả và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận khá phức tạp đòi hỏi nhiều chuyên môn cũng như dữ liệu đầu vào. Dưới đây là thông tin cụ thể: 

Tổng quan về phương pháp chiết khấu dòng tiền

  • Định nghĩa: Phương pháp chiết khấu dòng tiền định giá doanh nghiệp bằng cách đưa ra những dự đoán về dòng tiền trong tương lai mà công ty có thể tạo ra sau đó chiết khấu về thời điểm hiện tại. Giả định giá trị của doanh nghiệp sẽ tương đương với tổng giá trị hiện tại của dòng tiền mà doanh nghiệp có thể tạo ra trong tương lai. Công thức tính như sau:

DCF = CF1/(1+r)^1+  CF2/(1+r)^2+ …+ CFn/(1+r)^n

Trong đó: 

  • DCF – Discounted cash flow: Giá trị của công ty hay còn gọi là dòng tiền đã được chiết khấu.
  • CF – Cash flow: Dòng tiền mà công ty có thể tạo ra trong các năm tới (năm 1, năm 2,… năm n).
  • r – discount rate: Tỷ lệ chiết khấu của dòng tiền.

Đối tượng áp dụng: Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp dựa trên chiết khấu dòng tiền thường được áp dụng đối với các các doanh nghiệp có tình hình tài chính tương đối tốt, có khả năng thanh toán nợ cao, tính thanh khoản cao, nguồn vốn lớn và có khả năng kinh doanh để tạo ra lợi nhuận bù đắp hết các loại chi phí.

Ưu điểm, nhược điểm của phương pháp chiết khấu dòng tiền

Ưu điểm: Giúp đánh giá được cả giá trị trong hiện tại và giá trị tương lai của công ty. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mà giá trị tiềm năng được tạo ra trong tương lai, các doanh nghiệp mới như startup hoặc các doanh nghiệp không có nhiều tài sản cố định như công ty công nghệ.

Nhược điểm:

  • Phương pháp này tương đối khó, đòi hỏi người định giá cần có kiến thức, kinh nghiệm về kinh doanh và xử lý các mô hình tài chính phức tạp.
  • Cần nhiều biến đầu vào và các giả định chủ quan của nhà phân tích. Tuy nhiên, trong trường hợp các dự án mới hoặc dự án sắp triển khai, thì việc xác định được các biến đó và đưa ra các giả thiết hợp lý thường rất hạn chế. Điều này có thể dẫn đến sai sót hoặc bị áp đặt bởi mong muốn chủ quan của người định giá.
  • Khả năng xảy ra sai số tương đối cao. Có thể thấy giá trị ước tính sau cùng chiếm đến 70% mô hình, tuy nhiên việc tính toán giá trị lại tương đối sơ sài. Hơn nữa, các sự kiện trong tương lai luôn tồn tại rất nhiều rủi ro khó lường. Vì vậy, khó có thể đảm bảo tính chính xác cao đối với phương pháp định giá này.

Định giá theo phương pháp dựa trên tỷ số P/E (cách tiếp cận từ thị trường)

Chắc hẳn các nhà đầu tư chứng khoán rất quen thuộc với khái niệm P/E. Đây chính là cách tiếp cận giúp xác định được giá trị của doanh nghiệp dưới góc độ thực tế thị trường. Dưới đây là thông tin cụ thể:

Tổng quan về phương pháp định giá dựa trên tỷ số P/E

Định nghĩa: Phương pháp P/E (hay giá trị thị trường trên thu nhập) là tỷ số để xác định giá trị của một doanh nghiệp, dựa vào mối tương quan giữa giá trị thị trường của của cổ phiếu với lợi nhuận sau thuế của công ty. Bản chất phương pháp này là so sánh tỷ số P/E của doanh nghiệp với các đối thủ trong ngành trên thị trường để tìm ra giá trị phù hợp nhất.

P/E = Giá một cổ phiếu/ thu nhập trên một cổ phiếu

hoặc

P/E = Tổng giá trị vốn hóa thị trường/ Tổng thu nhập ròng

Đối tượng áp dụng: Để áp dụng phương pháp này cần có cơ sở so sánh (là các doanh nghiệp đối thủ trên thị trường đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc sàn UPCom). 

Ưu điểm, nhược điểm của phương pháp định giá dựa trên tỷ số P/E

Ưu điểm:

  • Đơn giản và dễ tiếp cận: Thông thường các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc giao dịch trên sàn UPCom có số liệu công khai đầy đủ và chuẩn mực về các chỉ số tài chính. Do đó việc lấy số liệu và tính toán tương đối dễ dàng.
  • Dựa trên cơ sở giá thị trường: Như thông tin ở trên, đây là phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thị trường, trên cơ sở so sánh với các đối thủ trực tiếp trong ngành. Do đó, giá trị của doanh nghiệp sẽ phản ánh thực tế tình hình thị trường ở thời điểm tính toán.

Nhược điểm: 

  • Giá trị doanh nghiệp chỉ được phản ánh ở thời điểm hiện tại: Vì việc so sánh dựa vào giá thực tế trên thị trường nên nhà đầu tư đã bỏ qua các yếu tố về tiềm năng tăng trưởng cũng như rủi ro có thể có trong tương tai của doanh nghiệp. Do đó, phương pháp này có thể không phản ánh đầy đủ giá trị thực sự của một doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mà tiềm năng lợi nhuận lớn trong tương lai.
  • Khả năng sai số do sự phản ánh giá không chính xác của thị trường: Thông thường giá thị trường được quyết định bởi cung và cầu. Trong một số trường hợp do tác động tâm lý nhà đầu tư, việc giá trị thị trường có thể biến động quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thực tế của doanh nghiệp. Nếu sử dụng giá ở những thời điểm này, việc định giá sẽ không thực sự chính xác.
  • Giới hạn ở các doanh nghiệp đã lên sàn: Như đã trình bày ở trên, phương pháp này sử dụng các doanh nghiệp đối thủ đã lên sàn để làm cơ sở so sánh và định giá. Trong trường hợp các công ty khởi nghiệp hoặc vì một số lý do chưa thể lên sàn thì rất khó để áp dụng.

Những lưu ý trong quá trình định giá doanh nghiệp

Xác định giá trị doanh nghiệp là hoạt động đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như tầm nhìn. Sau đây là một số lưu ý quan trọng khi tiến hành định giá:

  • Hãy chọn đúng người cố vấn: Thông thường khi nhắc đến định giá, chúng ta sẽ nghĩ những cái tên như công ty định giá, ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, thực tế việc lựa chọn cố vấn quan trọng hơn thế. Để định giá một cách chính xác nhất không chỉ cần một chuyên gia giỏi tính toán những con số, mà còn cần một đối tác thực sự am hiểu sâu sắc về ngành kinh doanh và thị trường mà công ty đang hoạt động. Do đó, nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra những tiêu chí cụ thể để chọn cố vấn phù hợp.

  • Nhìn đúng và đủ về tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp: Các phương pháp định giá truyền thống thường sẽ nhìn vào những con số hiện tại như doanh thu, lợi nhuận hay EBITDA (doanh thu trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần). Tuy nhiên, một định giá đầy đủ nên có cả dự đoán về bức tranh của doanh nghiệp trong ít nhất 5 năm tới, để nhìn thấy được hết khả năng phát triển cũng như rủi ro có thể gặp phải. Thị trường luôn luôn vận động và phát triển, do đó việc đánh giá cũng không nên chỉ dừng ở trạng thái tĩnh.
  • Hãy cân nhắc việc kết hợp phương pháp định tính và định lượng: Thuật ngữ định giá khiến hầu hết mọi người nghĩ đến các phương pháp định lượng với rất nhiều số liệu phía sau. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Những yếu tố như con người, văn hóa công ty có thể không định lượng được bằng số liệu nhưng lại đóng góp rất lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp. Đó cũng là lý do mà các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ coi con người là một trong những yếu tố cốt lõi cân nhắc để quyết định đầu tư.

Trên đây là tổng quan thông tin về phương pháp định giá doanh nghiệp. Trong thực tế việc xác định giá trị của một công ty thường diễn ra khá phức tạp và đòi hỏi cần có thời gian để tìm hiểu và đánh giá. Định giá không đơn giản chỉ là tính toán ra những con số, định giá là một nghệ thuật cần có sự đầu tư!

Scroll to top