Category: Tin Tức công nghệ

6 điểm khác biệt chính giữa Metaverse và thực tế ảo

Vào tháng 10 năm 2021, Mark Zuckerberg thông báo rằng Facebook sẽ đổi tên thành Meta.

Meta là một tính từ có nghĩa là một đối tượng đang đề cập đến chính nó. Nhưng đồng thời, nó cũng là viết tắt của một thứ gọi là metaverse.

Thông báo này đã vấp phải sự tò mò, hoài nghi và câu hỏi hiển nhiên được đặt ra: “Chính xác thì metaverse là gì?” Nghe có vẻ metaverse khá giống như thực tế ảo.

Vậy metaverse khác gì so với thực tế ảo và bạn có cần thiết bị VR do Facebook sản xuất để truy cập nó không?

Sự khác biệt giữa Metaverse và thực tế ảo (VR) là gì?

Nếu bạn đã đọc qua những bài viết về metaverse, thì những điểm tương đồng giữa nó với thực tế ảo rất khó phủ nhận. Tuy nhiên, có một số khác biệt quan trọng.

Sau đây là 6 điểm khác biệt chính giữa thực tế ảo và metaverse.

1. Thực tế ảo được xác định rõ, Metaverse thì không

Sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa thực tế ảo và metaverse là trong khi VR hiện đã được hiểu rõ, thì metaverse thực sự vẫn còn rất mơ hồ.

Theo Mark Zuckerberg, metaverse là “một Internet hiện thân, nơi thay vì chỉ xem nội dung, bạn có thể ở luôn trong đó”. Một thông báo gần đây của Microsoft đã mô tả metaverse là “một thế giới kỹ thuật số nơi các cặp song sinh kỹ thuật số của con người, địa điểm và vạn vật tồn tại”.

Những mô tả này khá mơ hồ khi so sánh với hiểu biết của chúng ta về thực tế ảo. Cũng có thể là ngay cả bản thân các công ty công nghệ cũng không có một định nghĩa đầy đủ về khái niệm này.

Theo Facebook, quyết định đổi thương hiệu là một phần cần thiết trong việc xây dựng metaverse. Hãng này muốn một cái tên thể hiện tốt hơn những gì công ty này đang làm. Nhưng nó chắc chắn không phải là lý do chính đáng duy nhất để làm như vậy. Hình ảnh của Facebook cũng không mấy tốt đẹp gì trong mắt người dùng.

Cũng có ý kiến cho rằng metaverse không hơn gì một từ thông dụng để mô tả những cải tiến công nghệ trong mạng Internet hiện có.

2. Facebook không sở hữu một trong hai công nghệ này

Một câu hỏi tiềm năng khác về metaverse là ai thực sự có thể xác định nó.

Là chủ sở hữu của Oculus Rift, Facebook đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thực tế ảo. Nhưng đồng thời, hãng này cũng chỉ là một người chơi trong ngành công nghiệp khổng lồ.

Điều này cũng đúng với metaverse. Facebook có thể đã đổi tên thành Meta, nhưng đây không phải là công ty duy nhất tham gia lĩnh vực này. Ví dụ, Microsoft gần đây đã công bố Microsoft Mesh, phiên bản của nền tảng thực tế hỗn hợp với những điểm tương đồng với metaverse và nhiều định nghĩa khác nhau. Hơn nữa, một tuyên bố gần đây của Facebook ám chỉ thực tế rằng công ty này tự coi mình là một phần của metaverse. Điều này có nghĩa là, giống như VR, metaverse sẽ không chỉ nằm trong phạm vi của một công ty.

3. Metaverse bao gồm một thế giới ảo được chia sẻ

Metaverse là một không gian ảo được chia sẻ mà người dùng có thể truy cập thông qua Internet. Một lần nữa, đây là điều mà thiết bị VR rõ ràng đã cho phép bạn làm. Không gian ảo trong metaverse nghe cũng tương tự như không gian đã tồn tại trong các chương trình thực tế ảo.

Người dùng dự kiến ​​sẽ được xác định bằng hình đại diện cá nhân và tương tác với nhau ở các vị trí ảo. Ngoài ra, họ sẽ có thể mua hoặc xây dựng các vật phẩm và môi trường ảo, chẳng hạn như NFT.

Sự khác biệt cơ bản là mặc dù các thế giới ảo hiện tại có kích thước hạn chế, nhưng metaverse nghe có vẻ như nó sẽ cung cấp quyền truy cập vào toàn bộ Internet.

4. Metaverse sẽ có thể truy cập được trong thực tế ảo

Metaverse sẽ không yêu cầu bạn đeo thiết bị VR. Nhưng người ta tin rằng phần lớn dịch vụ này sẽ có thể truy cập được đối với người dùng tai nghe.

Điều này có nghĩa là ranh giới giữa lướt Internet và sử dụng thực tế ảo có thể bị xóa nhòa. Thiết bị VR có thể bắt đầu được sử dụng cho các tác vụ thường được thực hiện bằng điện thoại thông minh.

Nếu metaverse trở nên phổ biến như Facebook mong đợi, VR ít nhiều có khả năng trở thành một sản phẩm đặc thù.

5. Metaverse sẽ không bị giới hạn trong công nghệ VR

Tuy nhiên, metaverse sẽ không giới hạn ở thực tế ảo. Thay vào đó, nó sẽ có thể truy cập được bằng cả thiết bị thực tế tăng cường và bất kỳ thiết bị nào bạn đã sử dụng để kết nối với Internet.

Điều này mở ra cánh cửa cho nhiều tính năng khác nhau không thể thực hiện được với thực tế ảo. Ví dụ, thực tế tăng cường sẽ cho phép các khía cạnh của metaverse được chiếu vào thế giới thực.

Không gian ảo cũng sẽ được thiết kế để chúng có thể được truy cập ở bất cứ đâu mà không cần tai nghe.

6. Metaverse có khả năng lớn hơn nhiều so với VR

Thực tế ảo hiện được sử dụng cho giáo dục, trị liệu và thể thao. Nhưng nó vẫn được cho là phù hợp nhất với vai trò một loại hình giải trí.

Metaverse, ít nhất là về quy mô, nghe giống như một phiên bản mới và cải tiến của Internet. Nó được kỳ vọng sẽ thay đổi cách mọi người làm việc, truy cập mạng xã hội và thậm chí lướt web, có nghĩa là trong khi nhiều người đã hoàn toàn bỏ qua thực tế ảo, điều tương tự khó có thể xảy ra với metaverse.

Metaverse sẽ thay thế Internet ư?

Thực tế ảo đã không có tác động hoàn toàn đến thế giới như một số người mong đợi. Có một giới hạn về thời gian mọi người muốn đeo tai nghe.

Metaverse sẽ không gặp vấn đề này, có thể truy cập được cho cả những người có và không có quyền tiếp cận với thiết bị VR. Một số người mong đợi nó sẽ có tác động lớn hơn nhiều.

Đồng thời, metaverse rất khó thay thế hoàn toàn Internet. Thiết bị VR cung cấp một sự thay thế thú vị cho màn hình máy tính. Metaverse sẽ cung cấp một sự thay thế thú vị cho Internet. Nhưng cả hai đều không được thiết kế để hoạt động như một sự thay thế cho thứ nào đó khác.

Nguồn: https://quantrimang.com

 

 

Cơn sốt Game NFT và “miếng bánh” tỷ đô

Khi game Axie Infinity, một trong những dự án game blockchain nổi bật do người Việt sáng lập, với đồng tiền mã hóa AXS của dự án này có thời điểm giá trị vốn hóa lên tới hơn 8 tỷ USD và trở thành game NFT đắt giá nhất mọi thời đại, thì một trào lưu game thế hệ mới – game dựa trên nền tảng công nghệ blockchain – trong “miếng bánh” tỷ đô dường như bắt đầu định hình và sôi động tại Việt Nam. 

Game NFT đang bùng nổ như một xu hướng mới và tạo thành một làn sóng trên thị trường game hiện nay. Game được xây dựng và phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain có token hoá tài sản trong game, cho phép người chơi thu thập các vật phẩm dưới dạng non-fungible token (NFT). Ngoài tính chất giải trí, loại game này còn cho phép người chơi kiếm tiền (play-to-earn), được chuyển đổi các vật phẩm trong game thành tài sản có thể giao dịch bất cứ lúc nào.

Làn sóng Game NFT tại Việt Nam

Theo báo cáo của trang Economic Time, vốn hóa thị trường của NFT trên toàn cầu là 11,72 tỷ USD. Theo nguồn DappRadar, tổng giá trị giao dịch NFT trên các nền tảng blockchain tăng mạnh, đạt 1,23 tỷ USD và 1,24 tỷ USD vào quý 1 và 2 năm 2021. Theo messati.io, tổng giá trị vốn hoá của NFT game đạt 7,63 tỷ USD năm 2021, tăng đột biến 2.300% so với 2017.

Thị trường game NFT Việt Nam bắt đầu sôi động từ tháng 4/2021, được dự đoán đang bùng nổ và sẽ tiếp tục phát triển. Nhiều game NFT ra đời một thời gian đã có sự thay đổi về số lượng (được nhân rộng và gây được sự chú ý từ cộng đồng) và chất lượng (nhiều game NFT đã có hình ảnh và đồ họa được cải tiến công phu).

Một trong những game NFT do người Việt sáng lập nổi tiếng nhất hiện nay, trên phạm vi toàn cầu, là game Axie Infinity. Axie Infinity được phát triển bởi Sky Mavis, được thành lập vào năm 2018 bởi ba người Việt và hai người nước ngoài. Công ty khởi nghiệp game blockchain Việt này đã huy động được 7,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A từ tỷ phú nổi tiếng người Mỹ Mark Cuban và một số nhà đầu tư hồi tháng 5/2021. Đặc biệt, sau vòng gọi vốn thành công trên, cùng “sức nóng” của Axie Infinity, đầu tháng 10 mới đây, công ty của game NFT này tiếp tục huy động được 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B. 

Cùng thời điểm này, đầu tháng 10, đồng tiền số AXS của Axie Infinity lập đỉnh mới với giá trị vốn hóa đạt hơn 8 tỷ USD. Trước đó, đầu tháng 7, AXS lần đầu cán mốc 1 tỷ USD và cũng là đồng tiền số (AXS) đầu tiên do người Việt phát triển đạt cột mốc này. 

Ngoài Axie Infinity, trong nước, một tựa game NFT khác là game HeroVerse (Vũ trụ anh hùng) – một dự án Game NFT Việt Nam (tháng 9) cũng gọi vốn thành công 1,7 triệu USD từ các quỹ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực Blockchain và NFT như DaoMaker; x21; AU21 Capital; Raptor Capital, IceTea Labs… 

“Làn sóng” phát triển game NFT tại Việt Nam có thể do tác động của dịch Covid-19 khiến xu hướng làm việc tại nhà tăng mạnh, từ đó việc chơi game, tìm kiếm mô hình game mới đã kéo theo sự tăng trưởng đột phá của dòng game NFT. Với lợi thế về lối chơi mới, tạo điều kiện để người chơi thu lợi nhuận cao, game NFT trở thành lựa chọn hàng đầu của các game thủ hiện nay.

Cơ hội để game Việt ra toàn cầu

Việt Nam đang hội tụ nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp game, đặc biệt là game thế hệ mới NFT. Theo thống kê của App Annie, trong 68 triệu người dùng di động tại Việt Nam, có khoảng 57% chơi game. Thời gian trung bình hàng ngày cho game của họ lên tới 3,9 tiếng, nhiều hơn 10% so với người Mỹ. Việt Nam đứng thứ hai tại Đông Nam Á về thị phần tải game trên các ứng dụng mobile, 22% sau Indonesia (38%). Số lượt tải game tại thị trường game Việt Nam tăng trưởng 10%, chi tiêu của người dùng trong game tăng 50% trong năm 2020. 

Năm 2021 thế giới có gần 3 tỷ người chơi game, tăng 5,3% so với năm 2020. Doanh số thị trường game ước tính chạm ngưỡng 175,8 tỷ USD năm 2021 và 218,7 tỷ USD năm 2024 (thống kê của Newszoo). Và Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng về phát triển game. Trong Top 10 nhà xuất bản game mobile, giữa các quốc gia Đông Nam Á, Australia và New Zealand, Việt Nam có 5 nhà phát hành game lọt vào danh sách, gồm Amanotes, OneSoft, Gamejam, VNG, Arrasol. 

Lấy ví dụ từ trường hợp Axie Infinity, bà Lyn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance Việt Nam, cho rằng ngành công nghiệp game là ngành mới nhất bị “phá vỡ” bởi công nghệ blockchain, khi mà game kết hợp blockchain này của Việt Nam (Axie Infinity) đã trở thành một hiện tượng công nghệ toàn cầu, thu hút hàng trăm nghìn game thủ từ khắp nơi trên thế giới. “Blockchain, đặc biệt là NFT, đã mở ra các mô hình kinh doanh mới và nguồn doanh thu mới cho ngành công nghiệp game. Các công ty game Việt Nam nên tận dụng để vươn ra toàn cầu”, bà Lyn Hoàng nói. 

Theo các chuyên gia trong ngành, tiềm năng của các dự án Việt trong lĩnh vực game NFT là rất lớn. Thậm chí, do đây là lĩnh vực mới nên không không có sự phân biệt quá nhiều giữa các nước lớn về công nghệ như Mỹ, Trung Quốc… Bởi vậy, nếu có ý tưởng và đội ngũ phù hợp, dự án game NFT của các start-up có thể nhận đầu tư và cố vấn từ chuyên gia blockchain, và hoàn toàn có cơ hội để trở thành những dự án tỷ USD.

Giới trong ngành cho rằng thuận lợi của Việt Nam là có lực lượng kỹ sư dồi dào, với kỹ thuật tốt và chuyên cần, tuy nhiên phần lớn đội ngũ này lại yếu về tầm nhìn, năng lực quản lý cũng như khả năng kết nối các nguồn lực quốc tế. Do vậy, theo các chuyên gia, nếu được bổ sung các yếu tố này, kết hợp với việc được đầu tư tài chính, sự hỗ trợ của cộng đồng, các dự án game NFT sẽ được đẩy lên tầm cao hơn và phát triển bền vững. 

Việt Nam có thuận lợi trong việc phát triển thị trường NFT game như đội ngũ lập trình, kỹ sư dồi dào, chuyên cần và kỹ thuật tốt, nhưng theo ông, trong nước hiện vẫn chưa có những game NFT bom tấn (đầu tư từ 10 triệu USD trở nên). Cộng đồng quốc tế thường đánh giá tốt những dự án game NFT của Việt Nam như Axie Infinity, HeroVerse vì nhiều studio game Việt Nam có thể làm nên chất lượng thế giới. Tuy vậy, cộng đồng Việt Nam thì không chuộng dự án game NFT trong nước. 

Ngoài ra, quy mô thị trường NFT game vẫn nhỏ so với thị trường game truyền thống. Hiện nay người chơi NFT game chủ yếu xuất phát từ các nước châu Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ…  Game truyền thống có thời gian phát triển lâu hơn nên phủ rộng hơn trên thế giới. 

Lợi thế và cũng là điểm khác biệt của game NFT là mục đích và quy mô người chơi. Hiện nay mục đích của đa số người chơi game NFT là để kiếm tiền (play-to-earn) và giao dịch tiền mã hóa, còn người chơi game truyền thống với mục đích tìm kiếm niềm vui. Đặc biệt, doanh thu của game NFT chủ yếu dựa trên việc bán token nhiều hơn là việc thu tiền từ người chơi như game truyền thống. Mặt khác, game NFT có thể gọi vốn dễ dàng và nhanh hơn từ nhà đầu tư (bởi đang là xu hướng và tiềm năng nhanh chóng thu lại lợi nhuận), còn đối với game truyền thống, nhà phát hành thường tự bỏ vốn để làm. 

Trong tương lai, NFT game ứng dụng công nghệ blockchain tiếp tục cung cấp những cải tiến đáng kể cho người chơi và nhà phát hành, đặc biệt là tính phân quyền, tính minh bạch và khả năng tương tác trong game. Người chơi có thể trở thành người dùng blockchain mới tiềm năng khi các vật phẩm thu được trong trò chơi được chuyển thành NFT. Ngoài thế giới ảo của game, các tài sản ở thế giới thực như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật cũng có thể được mã hóa và giao dịch trên blockchain. 

Chính vì thế, theo các chuyên gia, dù quy mô thị trường của game NFT vẫn còn khá nhỏ (vì mới bắt đầu) nhưng loại game này được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi mới, cải tiến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và giao diện người chơi trong game nói chung. Ngoài những lợi ích mà NFT game mang lại, người chơi cần chú ý tới một số vấn đề. Vì NFT có giá trị nội tại, nguy cơ được sử dụng làm tài sản đầu cơ. Điều này có thể thúc đẩy người chơi mua tài sản trong game với hy vọng bán chúng để thu lợi nhuận trong tương lai thay vì sử dụng tài sản trong hệ sinh thái trò chơi như dự định.

Theo Vneconomy

Scroll to top